Câu chuyện kinh doanh

Mùa mưa đến khiến nhiều người ho, sốt vì cảm lạnh. Được biết trà gừng là phương thuốc giải cảm đơn giản mà hiệu quả. Cách nấu trà gừng ra sao?

Cách nấu trà gừng giải cảm cho ngày mưa

Gừng cay ngâm trong trà nóng, ngoài giải cảm còn chữa đau bụng kinh, giảm stress và tăng tuần hoàn máu… Vì thế mà hiện nay trà gừng được rất nhiều người ưa chuộng. Mùa mưa này còn gì lý tưởng hơn ngồi bên cửa sổ, trong tay là chén trà gừng nghi ngút? Hãy cùng POS365  điểm qua 5 cách nấu trà gừng vừa đơn giản, vừa tốt cho sức khỏe nhé!

Hướng dẫn cách nấu trà gừng

Công dụng phía sau lát gừng vàng

Gừng là vị thuốc được dùng trong y học cổ truyền. Từ lâu, trà gừng đã được biết đến trong dân gian như một phương thuốc giải cảm đơn giản mà hiệu quả. Tính ấm cùng vị cay của gừng xua tan đi cơn lạnh, tăng cường lưu thông khí huyết và giữ cho cơ thể tỉnh táo.

Với công dụng làm ấm bụng, trà gừng không chỉ giúp chị em phục hồi sinh lực sau những ngày uể oải. Chất chống oxy hóa của gừng còn hỗ trợ làn da tươi trẻ và làm chậm tốc độ lão hóa.

Trụng lát gừng với một ít nước sôi để hòa tan tinh chất là đã có ngay một chén trà gừng nóng. Ngoài vị cay, gừng còn có thể kết hợp với các hương vị khác, tạo nên chén trà có thể làm hài lòng bất kỳ ai. Tất cả sẽ được bật mí trong 5 công thức pha trà gừng thơm ngon ngay sau đây!

Cách nấu trà gừng cùng 5 công thức đơn giản

Không mất nhiều thời gian để có một ly trà gừng thơm ngon, nóng hổi. Để Chợ pha chế mách bạn 5 cách nấu trà gừng vừa nhanh, vừa đậm đà hương vị nhé!

Công thức 1. Cách nấu trà gừng tươi

Đơn giản và nhanh chóng, trà gừng tươi là gợi ý hoàn hảo để làm ấm cơ thể sau một ngày mệt mỏi. Cách để có ngay ly trà gừng thư giãn cuối ngày sau 5 phút:

Nguyên liệu bao gồm:

  •  ½ củ gừng tươi

  • 100 gr lá trà khô hoặc trà túi lọc

  • Nước trắng

  • Đường trắng hoặc đường nâu (nếu thích)

Các bước thực hiện:

  • Gọt vỏ củ gừng, rửa sạch với nước và thái thành từng lát mỏng.

  • Cho gừng mới thái vào một cái nồi, lấy một lượng nước vừa đủ và đặt lên bếp đun sôi trên lửa nhỏ. Lưu ý: có thể cho thêm đường nếu thích uống ngọt.

  • Pha trà với nước sôi, lọc bỏ bã trà.

  • Lấy nước gừng vừa đun hòa chung với nước trà mới pha, bạn đã có ngay một ly trà gừng tươi ấm nóng. 


Công thức nấu trà gừng


Công thức 2: Cách nấu trà gừng mật ong

Đường trong mật ong là loại đường không béo, ăn vào rất tốt cho sức khỏe. Với hương vị ngọt ngào, trà gừng mật ong là lựa chọn thích hợp cho những ai muốn tận dụng lợi ích của gừng mà chưa quen với vị cay nồng:

Nguyên liệu bao gồm:

  • ½ củ gừng tươi

  • 100 gr lá trà khô hoặc trà túi lọc

  • Nước trắng

  • 1-2 thìa nhỏ mật ong

  • 1 lát chanh (nếu thích)

Các bước thực hiện:

  • Rửa sạch, cạo vỏ gừng và cắt lát nhỏ.

  •  Lấy một lượng nước vừa đủ bắc lên bếp, cho gừng vừa cắt lát vào và đun sôi trên lửa nhỏ.

  • Pha trà với nước sôi và lọc bỏ bã trà.

  • Hòa nước gừng đã đun cùng trà mới pha, cho thêm một vài thìa mật ong, sau đó khuấy đều và thưởng thức.

  • Bạn có thể vắt thêm một lát chanh để thêm vị chua cho thức uống. Bật mí là món trà gừng chanh mật ong chữa trị chứng đau họng rất hiệu quả.

  • Lưu ý: Có thể điều chỉnh lượng mật ong ít hay nhiều tùy theo độ ngọt mong muốn.


>>> Tìm hiểu thêm: Cách nấu trà sữa Phúc Long cực ngon, chuẩn vị kinh doanh

Công thức 3: Cách nấu trà gừng quế

Mùi thơm của quế hòa quyện với vị cay của gừng, nghe thật hấp dẫn phải không nào? Cả quế và gừng đều có tính ấm, ly trà này vì thế mà nhân đôi tác dụng giải cảm. Khâu chuẩn bị trà gừng quế cũng rất đơn giản:  

Nguyên liệu bao gồm:

  •  ½ củ gừng tươi

  • 100 gr lá trà khô hoặc trà túi lọc.

  • Nước trắng để đun gừng

  • 30 gr thanh quế

  • Đường nâu hoặc đường kính trắng (nếu thích uống ngọt)

  • Lưu ý: bạn có thể tìm mua thanh quế ở các hiệu thuốc Đông y hoặc cửa hàng thực phẩm.

Các bước thực hiện:

  • Củ gừng rửa sạch, cạo vỏ và cắt lát mỏng

  • Lấy một lượng nước vừa đủ, cho vào nồi đun sôi cùng với gừng. Để lửa nhỏ. Cho thêm đường nếu bạn thích uống ngọt.

  • Dùng bàn chải đánh răng nhẹ nhàng chà sạch thân quế, sau đó rửa lại với nước. Bỏ thanh quế vào một nồi nước vừa đủ và bắc lên bếp đun sôi (làm tương tự như gừng).  

  • Đổ nước gừng với nước quế vào chung một nồi và đảo đều.

  • Pha trà với nước sôi, lọc bỏ bã.

  • Lấy nước gừng-quế nóng hổi hòa chung với nước trà và khuấy đều, vậy là đã hoàn thành ly trà gừng quế thơm ngon đậm vị!


Chuẩn bị nguyên liệu nấu trà gừng


Công thức 4: Cách nấu trà gừng thảo dược

Trà gừng thêm một chút hương vị thảo dược sẽ thế nào nhỉ? Chắc chắn là rất thơm ngon và đặc biệt tốt cho sức khỏe. Đây cách biến tấu trà gừng thảo dược theo phong cách đông y:   

Nguyên liệu bao gồm:

  • ½ củ gừng tươi

  • 100 gr lá trà khô hoặc trà túi lọc

  • Nước trắng

  •  2-3 quả táo tàu

  • 50gr cam thảo

  • Đường trắng hoặc đường nâu (không bắt buộc)

  • Lưu ý: bạn có thể ghé các nhà thuốc đông y hoặc cửa hàng thực phẩm để mua cam thảo và táo tàu.

Các bước thực hiện:

  • Rửa sạch củ gừng với nước, cạo vỏ và thái thành từng lát mỏng

  •  Lấy một nồi nước đun sôi, sau đó cho cam thảo và táo tàu vào vừa đun vừa khuấy đều khoảng 10 phút

  • Cho gừng cùng với nước lọc vừa đủ vào một nồi khác, bắc lên bếp đun sôi trên lửa nhỏ. Có thể cho thêm đường nếu thích uống ngọt. Gạn bỏ xác gừng sau khi đun

  • Pha trà với nước sôi, gạn bỏ bã trà

  • Hòa chung nước thảo dược (cam thảo + táo tàu) cùng với nước gừng tươi và trà, khuấy đều. Ly trà gừng thảo dược đã sẵn sàng để thưởng thức!


>>> Đừng bỏ lỡ: Cách làm trà chanh siêu ngon, thành công ngay trong lần đầu tiên

Công thức 5: Cách nấu trà gừng cam tươi

Một chút vị trái cây cho chén trà gừng, sao lại không? Không chỉ đẹp mắt, trà gừng cam tươi còn thanh thanh mùi cam bên cạnh vị cay của gừng, tạo nên một sự kết hợp độc đáo. Trổ tài pha chế ly trà gừng cam tươi theo hướng dẫn:

Nguyên liệu bao gồm:

  • ½ củ gừng tươi

  • 100 gr lá trà khô hoặc trà túi lọc

  • Nước trắng

  • 1 quả cam tươi (nên dùng loại cam vỏ vàng cho nhiều tinh chất)

  • Đường trắng hoặc đường nâu

Các bước thực hiện:

  • Gừng cạo vỏ, rửa sạch với nước, sau đó cắt thành lát mỏng

  • Cho gừng tươi vào một lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp đun sôi trên lửa nhỏ. Gạn bỏ xác gừng sau khi đun. Có thể cho thêm lượng đường tùy theo khẩu vị.

  • Trà pha với nước sôi, gạn bỏ bã.

  • Cắt một lát cam dành riêng để trang trí, phần cam còn lại vắt lấy nước.

  • Hòa chung nước gừng đã đun, nước cam tươi cùng với trà mới pha, khuấy đều. Thế là bạn đã có trong tay ly trà gừng cam tươi màu sắc hấp dẫn. Đừng quên trang trí thêm lát cam đã cắt nhé!

Cách bảo quản và uống trà gừng

Công hiệu của trà gừng phát huy tối đa khi được uống nóng. Vì thế bạn nhớ uống ngay khi trà còn ấm, đừng đợi trà nguội kẻo mất đi tác dụng. Mỗi ngày nhâm nhi một tách trà gừng nhỏ, đảm bảo bạn sẽ mạnh khỏe bước qua mùa mưa mà không lo cảm cúm.  

Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể pha thật nhiều và bảo quản trong tủ lạnh để uống dần trong vòng 3-5 ngày. Đừng quên hâm nóng lại mỗi lần uống nhé!

Ngoài các công thức được ở trên, gừng còn có thể kết hợp cùng với các nguyên liệu khác như táo, sả, xoài, nho… làm nên một ly trà gừng trái cây hết ý. Bạn hoàn toàn có thể sáng tạo thêm các cách nấu trà gừng cho riêng mình!